Đăng nhập
Đăng ký
GIỎ HÀNG CỦA BẠN
Có: 0 sản phẩm
Tổng giá trị: VNĐ
Công nghệ chế biến tre: Doanh nghiệp khó tiếp cận
Công nghệ chế biến tre: Doanh nghiệp khó tiếp cận
(Dogo24h.com.vn) - Ở nước ta, những năm gần đây, công nghệ áp dụng cho sản xuất tre đang có những chuyển biến đáng kể, cả về quy mô dây chuyền sản xuất lẫn kỹ thuật hiện đại. Bên cạnh các doanh nghiệp sản xuất truyền thống (thủ công), các doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm có giá trị cao (tre ép khối và ván xây dựng, gọi chung là sản phẩm tre công nghiệp) đã được thành lập. Sự phát triển này chính là “chất xúc tác” cho đầu tư mới tại Việt Nam trong những năm tới

Thiếu vốn, công nghệ

Các sản phẩm được làm từ tre - khi đã hoàn thành, có thể nói là khá đẹp và hấp dẫn, tuy nhiên công đoạn chế biến thì không hề đơn giản, mỗi khâu sản xuất tre phù hợp với một loại máy nhất định. Có thể nêu ví dụ về công đoạn trong sản xuất tre ép khối ở Công ty TNHH Tiến Động. Đầu tiên thực hiện cắt, rồi bổ, đẽo mẫu, bóc, cán, luộc, sấy, hấp, nhúng keo và cuối cùng là ép, trong mỗi công đoạn ấy ứng với một loại máy riêng.

Tiến Động được sự hỗ trợ của Tổ chức phi chính phủ Oxfarm Hồng Kông - đã nghiên cứu áp dụng công nghệ sản xuất tre ép strandwoven vào sản xuất, cho ra đời sản phẩm tre chất lượng có tính vượt trội. Đây là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam áp dụng thành công công nghệ ép (strandwoven) của Trung Quốc với công suất hiện tại đạt 5 m³/ngày; công nghệ truyền sơn UV và truyền đánh mộng công suất đạt 16.000 m² ván sàn/ngày.

Anh Quân, Phó giám đốc kỹ thật ARTEX Tiến Động cho biết: “Cái khó là đầu vào phải tốt, đòi hỏi rất quy chuẩn mà cây tre thì khó có quy chuẩn, hơn nữa công nghệ rất phức tạp, công suất lớn, đắt tiền, phải có đầu vào, đầu ra ổn định.

Bên cạnh đó, giá trị công nghệ trong từng sản phẩm không cao, sẽ dẫn tới việc sản phẩm của chúng ta giảm giá trị cạnh tranh. Ngoài ra, chính sự thiếu đầu tư vào công nghệ trong sản xuất, sẽ gây nên tình trạng thiếu bền vững trong quá trình phát triển của ngành. Tóm lại, ở khâu chế biến tre, bắt buộc phải sử dụng công nghệ hiện đại mới có thể làm thay đổi diện mạo của ngành…”.

Theo thống kê của MekongBamboo (tổ chức kết nối thông tin nhà đầu tư và các ý tưởng về công nghệ chế biến tre, hỗ trợ các công ty tìm đối tác đầu tư…), cả nước hiện có hơn 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tre, đưa khoảng 10.000 người ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam ra khỏi ngưỡng đói nghèo. Nhu cầu tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ ngày càng cao trên thế giới, sẽ là cơ hội để người dân cũng như các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ tìm đầu ra cho sản phẩm góp phần xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp ở Việt Nam phần lớn vẫn đang sử dụng công nghệ cũ, chủ yếu chế biến tre làm hàng thủ công mỹ nghệ, rất ít các doanh nghiệp chịu đầu tư để chế biến tre thành hàng “công nghiệp” bởi thiếu công nghệ, đầu tư cao, khó thu lợi sớm.

Khó từ nhiều phía

Ông Phạm Quốc Khánh - Tổng giám đốc Artex Tiến Động cho biết, vấn đề ứng dụng công nghệ được đặt ra từ trước, nhưng trên thực tế lại ít được các doanh nghiệp quan tâm do việc đầu tư vào công nghệ lớn, gây khó khăn cho doanh nghiệp, vì đây là ngành được cho là khá mạo hiểm. Hơn nữa, ngoài đầu tư quy trình sản xuất công nghệ thì chi phí phát sinh, chi phí bảo dưỡng lớn sẽ là trở lực đối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn thiếu thông tin trong việc sử dụng công nghệ, thiếu nhân lực được đào tạo kỹ năng. Anh Quân bộc bạch: “Chúng tôi phải sang tận Trung Quốc học và nhờ chuyên gia nước ngoài về dạy, chỉ đào tạo những công nhân chủ chốt, còn phần lớn doanh nghiệp tự đào tạo.

Ở Việt Nam mới chỉ có trường, lớp dạy chế biến gỗ chứ chưa có trường lớp nào dạy chế biến tre nên rất khó khăn trong việc tiếp cận và sử dụng công nghệ, cũng như phát huy thế mạnh về mẫu mã của sản phẩm. Mẫu mã sản phẩm ở Việt Nam rất hạn chế, chủ yếu học và làm theo mẫu của nhau, vì chưa có lớp học thiết kế các sản phẩm từ tre”.

Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tre ép công nghiệp, đòi hỏi phải có mặt bằng rộng, tre sau khi thu hoạch cần được sơ chế để đảm bảo chất lượng. Điều này đòi hỏi cần xây dựng những nhà máy sơ chế ở ngay vùng nguyên liệu, phải đảm bảo được nguồn nhân công nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ ngành.

Đi tìm giải pháp Cây tre chủ yếu sản xuất ra đồ thủ công mỹ nghệ từ công nghệ thô sơ, dựa vào sự khéo léo của bàn tay con người.

Ngày nay, nghề này đã cho “ra lò” những sản phẩm công nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao. Tre ép khối được làm bằng cách loại bỏ lớp vỏ xanh của cây tre, chẻ mỏng, sấy khô, nhúng keo và ép dưới áp suất cực lớn làm biến dạng cấu trúc của nguyên liệu - trở thành các khối sản phẩm giống hệt như gỗ. Độ cứng cao và tính ổn định là 2 đặc tính nổi bật nhất của loại vật liệu này, nên nó được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như ván sàn, bậc cầu thang, mặt bàn ghế…

Trên thực tế, một số doanh nghiệp trong nước đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đạt được kết quả cao, bởi tận dụng được nguồn nguyên liệu cao hơn 60%, thậm chí 80%; trong khi công nghệ cũ, sản phẩm thu được chỉ từ 11 - 15% (theo đánh giá của Chương trình tre Mê Kông).

Nếu sử dụng công nghệ cũ thì phần hao phí tre rất lớn, chẳng hạn, để tạo ra 1 kg tre thành phẩm, phải dùng tới 10 kg tre tươi… Mặc dù, cây tre có tốc độ sinh trưởng rất nhanh, song với tỷ lệ sử dụng nguyên vật liệu chỉ khoảng 10% như vậy, nguồn tre khó có thể tái tạo kịp

Người chịu trách nhiệm: Bùi Mạnh Tuấn
Địa chỉ: Số 3 ngõ 210 Đường Láng, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội
Điện Thoại: 02435627539.
Di Động: 0903559866. 0967559866. 0917559866.
Email: dogo24h@gmail.com
Số ĐKKD: 01E8018324/ UBND Quận Đống Đa cấp. Mã Số Thuế: 8357955391
Thời gian làm việc sáng: 8h00 - 13h, chiều: 14h - 20h. Tất cả các ngày trong tuần
(Bản đồ chỉ dẫn)